Bệnh học

NHIẾM KHUẨN DO NÃO MÔ CẦU

Bệnh nhiễm não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Biểu hiện lâm sàng thường gặp là viêm màng não mủ và/hoặc nhiễm khuẩn huyết, có thể gây sốc dẫn đến tử vong, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

 

  1. Định nghĩa
  • Bệnh nhiễm não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Biểu hiện lâm sàng thường gặp là viêm màng não mủ và/hoặc nhiễm khuẩn huyết, có thể gây sốc dẫn đến tử vong, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
  • Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các giọt nhỏ dịch tiết mũi họng bị nhiễm Neisseria meningitidis, khả năng lây truyền sẽ tăng nếu có đồng nhiễm cùng các vi rút đường hô hấp.
  1. Đặc điểm dịch bệnh
  • Não mô cầu khu trú tại vùng mũi họng của người, lây truyền qua không khí, trực tiếp giữa người với người do ho, hắt hơi, nói.
  • Hay gặp ở lứa tuổi 6 tháng - 1 tuổi, không có sự khác biệt về giới.
  • Bệnh rải rác quanh năm, nhưng hay gặp nhất vào mùa đông, đông xuân trong các nhà trẻ, trường học...
  • Đối với nhiễm trùng do não mô cầu, tính miễn dịch tự nhiên được hình thành trong khoảng 20 năm đầu của cuộc sống. Trẻ sơ sinh có miễn dịch thụ động do mẹ truyền cho.
  1. Triệu chứng
    • Viêm họng do não mô cầu
  • Khó chẩn đoán vì phân lập được vi khuẩn trong họng cũng không xác định được, phần lớn là người lành mang trùng.
  • Khi bệnh xảy ra hàng loạt trong thời gian có dịch, phải lưu ý tới trường hợp viêm họng do não mô cầu, đa số không có triệu chứng lâm sàng rõ hoặc chỉ sổ mũi, viêm họng đỏ mà không sưng Amydal, không sưng hạch cổ.
    • Nhiễm trùng huyết do não mô cầu

Nhiễm trùng huyết thể cấp

  • Có thể kèm theo viêm màng não mủ hoặc không. Cần xét nghiệm dịch não tủy các bệnh nhân nhiễm trùng huyết do não mô cầu để phát hiện kịp thời.
  • Khởi đầu đột ngột:

+ Lúc đầu bệnh nhân thấy mệt mỏi kiểu cảm cúm, sổ mũi, viêm họng nhẹ.

+ Sau đó sốt cao 39 - 40oC, ớn lạnh, rét run dữ dội liên tiếp, nhức đầu, nôn, đau khớp, đau cơ, mạch tăng theo nhiệt độ, môi khô, lưỡi bẩn, vẻ nhiễm trùng rõ.

  • Hình ảnh điển hình: tử ban, gặp > 70% các trường hợp

+  Đặc điểm tử ban:

  • Ban màu đỏ hoặc tím thẫm
  • Bờ không tròn đều (ban xuất huyết hình sao)
  • Kích thước 1 - 2 mm đến vài cm
  • Không nổi trên mặt da
  • Có khi có dịch đục bên trong

+ Ban có thể thấy trên da toàn thân, thường gặp quanh các khớp lớn khuỷu, gối, cổ chân, đôi khi lan rộng từng mảng như hình bản đồ

  • Có thể gặp xuất huyết củng mạc, chảy máu cam, hiếm gặp xuất huyết tiêu hóa.
  • Một số dấu hiệu khác có thể gặp: nốt Herpes ở khóe miệng, viêm phế quản, lách to, phản ứng màng não.

Nhiễm trùng huyết tối cấp: Hội chứng ác tính Waterhouse – Friderichsen

  • Bệnh tiến triển cấp tính, nhanh dẫn tới suy tuần hoàn, suy hô hấp và tử vong trong vài giờ.
  • Bệnh nhân tím tái, nổi vân da, nhất là ở đầu gối, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp.
  • Gan to, lách to.
  • Tử ban lan tràn thành mảng lớn.
  • Nếu bệnh nhân  được cứu thoát khỏi sốc thì phải luôn đề phòng tình trạng bội nhiễm thêm và sau này vùng hoại tử cần phải ghép da.

Nhiễm trùng huyết mãn tính

  • Diễn biến thường kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng
  • Đặc điểm:

+ Sốt rét run, sốt cơn có thể kéo dài nhiều tuần hay nhiều tháng với các biến chứng ở các cơ quan khác nhau

+ Phát ban ở da

+ Đau khớp

  • Viêm màng não do não mô cầu

Thường gặp: thể tiên phát ở trẻ từ 6 tháng - 1 tuổi và thanh thiếu niên.

Thời kỳ nung bệnh: ngắn từ 2 - 5 ngày, triệu chứng chưa rõ

Thời kỳ khởi phát: đột ngột

  • Sốt cao, rét run, đau đầu, buồn nôn, đau khắp mình mẩy
  • Có thể kèm theo viêm mũi họng, cần lưu ý các dấu hiệu của hội chứng màng não

Thời kỳ toàn phát:

  • Hội chứng màng não rõ:

+   Đau đầu dữ dội, sợ ánh sáng, tiếng động, đau rễ thần kinh, co cứng cơ (tư thế cò súng), các triệu chứng thực thể hội chứng màng não rõ

+ Tăng cảm giác da

+   Rối loạn thần kinh: mất ngủ, đờ đẫn, có thể hôn mê, kích thích hoặc li bì, thờ ơ

  • Hội chứng nhiễm trùng rõ: sốt cao.
  • Ngoài ra còn thấy herpes ở vùng mũi quanh miệng, hồng ban, ban dạng xuất huyết dạng chấm có giá trị cao trong chẩn đoán.
  • Chọc dịch não tủy: nước não tủy đục, tăng áp lực, Albumin tăng 0.8 - 1.2 g/l, glucose  hạ, có khi còn vết, tế bào tăng chủ yếu là bạch cầu đa nhân.

 

Viêm màng não mủ ở trẻ nhũ nhi: thường nặng, triệu chứng không điển hình và thường có các biến chứng thần kinh.

Ở người già: hiếm gặp, thường phức tạp.

Dấu hiệu thần kinh: liệt thần kinh sọ, hôn mê nhanh chóng, sốt.

Biểu hiện kết hợp: suy thận, đái tháo đường, suy tim, phổi (nguy cơ tử vong ở người già ngay cả khi có tiến triển tốt về Vi khuẩn học dưới sự điều trị kháng sinh).

  • Những biểu hiện không điển hình

Biểu hiện ở khớp

  • Viêm khớp cấp: thường gặp ở trẻ nhỏ, hay viêm khớp gối trong 3 ngày đầu của viêm màng não.
  • Viêm khớp đơn thuần.
  • Viêm khớp sau khi viêm màng não.

Biểu hiện ở tim

  • Viêm ngoại tâm mạc có nhiễm trùng.
  • Viêm ngoại tâm mạc không nhiễm trùng: hiếm hơn.
  • Viêm nội tâm mạc do não mô cầu là hình ảnh cổ điển của thời kỳ trước khi có kháng sinh.

Biểu hiện ở da: ban, mảng xuất huyết của tử ban và nhiều biểu hiện khác.

Tổn thương ở phổi

  • Viêm phổi do não mô cầu thường thấy trước khi có kháng sinh.
  • Phù phổi là ngoại lệ ngoài trường hợp có tử ban.

Biểu hiện khu trú khác

  • Rối loạn tiêu hóa, thương tổn gan ít gặp
  • Tiết niệu, sinh dục: viêm niệu đạo, viêm tinh hoàn, viêm mào tinh...
  • Viêm thần kinh ngoại biên trong quá trình nhiễm trùng huyết..
  1. Tiến triển
  • Nếu bệnh nhân được dùng kháng sinh sớm và đặc hiệu, bệnh khỏi            hoàn toàn về lâm sàng, vi khuẩn     học ít nhất sau 8 ngày.
  • Vách hóa dịch não tủy và tràn mủ não thất là tiến triển đặc biệt.
  • Tụ mủ dưới màng cứng thấy ở trẻ nhũ nhi.
  1. Di chứng
  • Rất hiếm gặp nếu bệnh nhân được điều trị sớm.
  • Có thể xuất hiện động kinh.
  • Phải lưu ý khi có biểu hiện thần kinh ở giai đoạn toàn phát và phải theo dõi kiểm tra bằng điện não đồ.
  1. Biến chứng

Giác quan

  • Biến chứng vào mắt thường gặp trong nhiễm trùng huyết.
  • Nếu nửa trước bị nhiễm trùng gây viêm mống mắt thể mi.
  • Nếu nửa sau bị nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ thấy mắt bị mờ đi, như nhìn qua sương mù, mắt chỉ hơi đỏ lên nhưng sẽ xuất mủ tiền phòng. Nặng hơn sẽ thấy đồng tử bị liệt và méo đi.
  • Nếu bị ở sau thì bề ngoài không thấy gì nhưng bệnh nhân bị mù.

Thần kinh - tâm thần

  • Hiện tượng vách hóa: khi có chẩn đoán muộn và điều trị không được đặc hiệu đúng lúc.
  • Viêm mủ và tràn mủ não thất:

+ Xuất hiện những triệu chứng tăng áp lực nội sọ hoặc viêm tủy, nhưng hiếm

+ Viêm đa rễ thần kinh gây liệt mềm tứ chi từ từ

+ Rối loạn cảm giác

+ Teo cơ

+ Động kinh, co giật

+ Mất ngủ

7.Điều trị

  • Nguyên tắc điều trị

- Chẩn đoán sớm ca bệnh

- Sử dụng kháng sinh sớm

- Hồi sức tích cực

- Cách ly bệnh nhân

  • Điều trị cụ thể

Chọn một trong các kháng sinh sau + Penicillin G: 20 – 30 triệu UI (đơn vị quốc tế)/ngày, truyền tĩnh mạch liên tục hoặc tiêm tĩnh mạch 2 - 4giờ/lần. Trẻ em 200.000-300.000UI/kg/ngày.

+ Ampicillin: 2g/lần, tiêm tĩnh mạch 6h/lần. Trẻ em 200-250 mg/kg/ngày.

+ Cefotaxim: 2g/lần, tiêm tĩnh mạch 6giờ/lần. Trẻ em 200-300mg/kg/ngày.

+ Ceftriaxon: 2g/lần, tiêm tĩnh mạch12h/lần. Trẻ em 100mg/kg/ngày.

- Nếu dị ứng với các kháng sinh nhóm Betalactamin:

+ Chloramphenicol 1g, dùng 2-3g/ngày, trẻ em từ 50-100mg/kg/ngày (nếu còn tác dụng).

+ Ciprofloxacin 400 mg/lần, truyền tĩnh mạch 2 lần/ngày. Trẻ em 15 mg/kg/lần truyền tĩnh mạch x 2 lần /ngày.

Thời gian điều trị kháng sinh tối thiểu từ 7 – 14 ngày hoặc 4 – 5 ngày sau khi bệnh nhân hết sốt, tình trạng huyết  động ổn  định, xét nghiệm dịch não tuỷ bình thường (đối với viêm màng não mủ do Não mô cầu).

- Điều trị hỗ trợ và triệu chứng:

+ Hạ sốt

+ An thần

+ Chống phù não

+ Điều trị suy tuần hoàn, sốc: Bù dịch, thuốc vận mạch.

+ Hỗ trợ hô hấp

+ Lọc máu liên tục

+ Điều chỉnh nước, điện giải và thăng bằng kiềm toan

+ Vệ sinh thân thể và dinh dưỡng đầy đủ

- Có thể xem xét sử dụng corticoids trong trường hợp sốc không đáp ứng với thuốc vận mạch. Thường dùng methylprednisone liều 1-2 mg/kg/ngày, hoặc hydrocortisone 4mg/kg/ngày, trong thời gian 2 ngày.

8. Phòng bệnh:

  • Phòng bệnh chung:

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

- Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.

- Có thể tiêm vắc xin phòng bệnh.

- Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám tại các cơ sở khám chữa bệnh càng sớm càng tốt.

  • Phòng bệnh trong bệnh viện:

- Cách ly bệnh nhân

- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh.

- Quản lý và khử khuẩn đồ dùng và chất thải của bệnh nhân, dịch tiết mũi họng của bệnh nhân.

- Có thể sử dụng thuốc dự phòng cho nhân viên y tế và người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.

  • Phòng bệnh đặc hiệu:

Tiêm phòng vắc xin:

- Hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh não mô cầu nhóm A, B, C, Y, W135

- Có thể tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên.

Dự phòng bằng thuốc:

- Chỉ định dự phòng bằng thuốc: Những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân đã được chẩn đoán chắc chắn nhiễm não mô cầu, bao gồm các trường hợp sau:

+ Những người sống cùng nhà và sinh hoạt cùng với bệnh nhân (sống trong cùng một nhà, cùng khu nhà trọ, cùng phòng làm việc…) trong vòng 7 ngày trước khi bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng.

+ Những người tiếp xúc với bệnh nhân trong thời gian ngắn (có nguy cơ bị nhiễm bệnh qua đường hô hấp như: nói chuyện với bệnh nhân, tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp của bệnh nhân…)

- Thuốc điều trị dự phòng: Các thuốc có thể dự phòng nhiễm não mô cầu bao gồm Rifampicin, Ciprofloxacin, Azithromycin.

Ciprofloxacin: Dùng liều đơn duy nhất 500 mg cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi.

Rifampicin: Chống chỉ định trong các trường hợp sau: đang có biểu hiện vàng da, có tiền sử tăng nhạy cảm với Rifampicin.

Dùng trong 2 ngày:

. Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: 600mg, 2 lần/ngày

. Trẻ em từ 1-12 tuổi: 10mg/kg,2 lần/ngày

. Trẻ dưới 12 tháng: 5mg/kg, 2 lần/ngày

+ Có thể dùng Azithromycin: liều duy nhất 500 mg cho phụ nữ có thai và đang cho con bú, trẻ em 10mg/kg.

- Thời gian dùng: Nên dùng càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 24h sau khi có chẩn đoán xác định ca bệnh.

 

Trung Tâm Tiêm Chủng Vắc Xin Đồng Nai

Chúng tôi cam kết đem đến cho khách hàng cảm nhận hoàn toàn mới về dịch vụ tiêm chủng với tiêu chí chất lượng dịch vụ hoàn hảo.

Địa chỉ: 1302 (số cũ 138) Nguyễn Ái Quốc, KP8, P Tân Phong, Biên Hoà, Đồng Nai

Hotline: 0251.626.9999

Email: [email protected]

Website: https://trungtamvacxindongnai.com

Facebook:  https://www.facebook.com/vacxindongnai

Bạn cần
hỗ trợ