Cẩm nang tiêm chủng

CÓ CẦN TIÊM CHỦNG VẮC-XIN CHO NGƯỜI LỚN?

Người lớn là thành viên của cộng đồng, nên cần được tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh.

 Tiêm chủng là thành quả to lớn của Y học hiện đại, nó giúp bảo vệ người được tiêm chủng khỏi những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Trẻ em là đối tượng chiếm đại đa số trong tổng số khách hàng đến để được khám và tư vấn tiêm chủng tại Trung tâm vắc-xin Đồng Nai. Và ở những trung tâm tiêm chủng khác cũng không phải ngoại lệ. Điều này phản ánh một thực trạng từ trước giờ, nhiều người vẫn lầm tưởng rằng tiêm chủng chỉ cần cho trẻ nhỏ, vì sức đề kháng của cơ thể trẻ còn non yếu; người lớn hệ miễn dịch đã hoàn thiện nên không cần phải tiêm chủng, vậy quan niệm này có đúng hay không?

Theo Tạp chí Parents của Hoa Kỳ, hàng năm, thế giới ghi nhận có hơn 600.000 người lớn chết vì các bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng bằng Vắc-xin.

Mỗi năm vắc-xin giúp ngăn ngừa được 2 - 3 triệu ca tử vong trên toàn thế giới.

Vắc-xin không chỉ bảo vệ người được tiêm chủng mà còn bảo vệ những người xung quanh. Vắc-xin giúp người được tiêm chủng không mắc các bệnh truyền nhiễm, đồng thời cũng giúp những người chưa được tiêm ngừa bằng cách tạo ra “miễn dịch cộng đồng”. Khi trên 80% dân số trong cộng đồng được tiêm chủng thì cơ hội bùng phát dịch bệnh sẽ giảm đi đáng kể. Điều này bảo vệ những người dễ bị bệnh như trẻ còn quá nhỏ chưa thể tiêm chủng, những người già và những người bị hoãn tiêm hoặc chống chỉ định tiêm chủng. Theo Tiến sĩ - Bác sĩ Anita Chandra-Puri, phát ngôn viên của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, đồng thời là thành viên của Hiệp hội Y khoa Northwestern ở Chicago, cho rằng khi người lớn được tiêm chủng có thể kiềm chế sự lây lan của bệnh sang trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đây là những đối tượng còn quá nhỏ để có thể tiêm chủng hoặc chưa được bảo vệ đầy đủ.

Người lớn là thành viên của cộng đồng, nên cần được tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh.

Vắc-xin cho người lớn sẽ thay đổi theo từng người phụ thuộc vào nơi làm việc, sinh sống, nơi đi du lịch hoặc tình trạng mang thai hoặc các bệnh mạn tính hiện có.

Dưới đây là các loại vắc-xin mà người lớn cần được tiêm chủng:

  1. Vắc-xin phòng cúm mùa

Do các chủng loại của virus này biến đổi hàng năm nên gọi là cúm mùa.

Theo Quyết định số 2078/QĐ-BYT của Bộ Y tế Việt Nam về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cúm mùa thì các nhóm nên được tiêm phòng cúm là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em từ 6 tháng đến 8 tuổi, người trên 65 tuổi, người có bệnh mạn tính như bệnh phổi mạn tính, tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch,…

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến cáo nên tiêm chủng cho phụ nữ đang có thai.

Nên tiêm chủng cúm hàng năm lý tưởng nhất từ tháng 9 đến tháng 11.

Do vắc-xin cúm được sản xuất trên trứng gà có phôi của đàn gà giò khỏe mạnh nên vẫn còn chút ít dạng vết của protein trong trứng, vậy nếu đã dị ứng trứng gà nên tiêm chủng cúm tại bệnh viện.

  1. Vắc-xin phòng phế cầu

Thường gặp phế cầu khu trú ở vùng tỵ hầu của người lành (40-70%). Phế cầu có thể gây ra nhiều bệnh cảnh khách nhau như viêm tai giữa, mũi xoang, viêm phổi (thường xảy ra sau khi đường hô hấp bị tổn thương do nhiễm virus như virus cúm,..), viêm màng não (thường gặp ở trẻ em), nhiễm trùng huyết,…Phế cầu là 1 trong những vi khuẩn gây bệnh thường gặp nhất.

Nên tiêm phòng phế cầu cho những người có bệnh lý mạn tính đặc biệt là bệnh lý hệ thống hô hấp như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD),.. hoặc tình trạng miễn dịch suy yếu như đã bị cắt lách.

Vắc-xin Prevenar 13 (do công ty Pfizer sản xuất, xuất xứ từ Anh) phòng phế cầu đang được sử dụng cho người lớn, chỉ cần tiêm 1 lần duy nhất không cần nhắc lại, tránh dùng cho phụ nữ mang thai và cho con bú.

  1. Vắc-xin phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván

Bệnh bạch hầu có triệu chứng khác nhau từ nhẹ đến nặng. Trong trường hợp nặng, một mảng màu xám hoặc trắng phát triển trong cổ họng cho nên mới có tên gọi là bạch hầu. Mảng này có thể làm nghẹt đường thở và gây nên ho khan. Các biến chứng có thể bao gồm viêm cơ tim, viêm dây thần kinh, những vấn đề ở thận, và xuất huyết do lượng tiểu cầu thấp. Viêm cơ tim có thể gây ra rối loạn nhịp tim và viêm dây thần kinh có thể gây liệt.

Ho gà là một trong các bệnh rất hay lây làm chết nhiều người nhất trong các loại bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. Mỗi năm có khoảng 30 - 50 triệu bệnh nhân mắc và 300.000 ca tử vong (theo thống kê của WHO).  Bệnh có đặc điểm là ho từng chuỗi kế tiếp nhau, càng lúc càng nhanh rồi yếu dần, sau đó có giai đoạn hít vào thật sâu nghe như tiếng gà gáy, sau cơn ho thì mặt đỏ môi tím, hai mí mắt sưng, tĩnh mạch cổ nổi.

Uốn ván hay dân gian hay gọi là phong đòn gánh là bệnh làm co cứng các cơ trong cơ thể thường làm chết người. Nguyên nhân là do độc tố của vi trùng qua vết thương trên da. Triệu chứng là tê cứng lưỡi và hàm, sau đó co cứng cả người (lưng cong cứng, ưỡn ngược ra sau như tấm ván uốn cong) và khi hệ cơ của lồng ngực bị co cứng sẽ khó thở và gây tử vong.

Nếu trong quá khứ đã từng tiêm chủng đầy đủ các mũi cơ bản thì một mũi tiêm 3 trong 1 (Vắc-xin phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván có tên thương mại là Boostrix hoặc Adacel) hoặc loại 2 trong 1 (Vắc-xin phòng bạch hầu - uốn ván do Việt Nam sản xuất có tên là Td) nên nhắc lại mỗi 10 năm. Với các bà mẹ mang thai, có thể tiêm vào 3 tháng cuối của thai kỳ.

  1. Vắc-xin phòng thủy đậu (trái rạ)

Nếu chắc chắn đã từng bị thủy đậu thì không cần tiêm chủng loại vắc-xin này.

Bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện trong vòng 2 tuần sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, khởi phát bệnh thường đột ngột với triệu chứng nổi mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng 12 - 24 giờ có thể nổi toàn thân. Mụn nước có đường kính từ 1 – 3 mm, chứa dịch trong, tuy nhiên những trường hợp bị bội nhiễm vi trùng sẽ có màu đục do chứa mủ.

Thủy đậu không chỉ đơn thuần là những mụn nước mà có thể gây tử vong vì những biến chứng của căn bệnh này như: viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng huyết,

Phụ nữ mang thai mắc thủy đậu có thể dẫn đến sảy thai hoặc để lại cho thai dị tật bẩm sinh ở hệ thống tim mạch, thần kinh,…

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nếu có ý định mang thai phải ít nhất 3 tháng sau khi hoàn thành phác đồ mới mang thai được.

Liệu trình tiêm chủng gồm 2 mũi tiêm cách nhau 4 tuần đối với người lớn.

  1. Vắc-xin phòng sởi - quai bị - rubella

Vắc-xin giúp phòng được 3 bệnh lây qua đường hô hấp:

- Sởi: thường gây bênh ở trẻ em nhưng ít gặp ở người lớn, nếu người lớn chưa được tiêm chủng thì là nguồn lây cho trẻ, làm trẻ sốt cao và phát ban.

- Quai bị: gây sưng mặt, sưng tuyến nước bọt, sưng ‘cậu nhỏ’ của đàn ông hoặc buồng trứng của phụ nữ, có thể dẫn đến vô sinh

- Rubella (còn gọi là bệnh sởi Đức): có thể gây ra những biến chứng không thể xem thường như viêm não – màng não, viêm rễ thần kinh, sưng khớp và đặc biệt phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh trong 3 tháng đầu của thai kỳ sẽ dễ bị những tai biến như sẩy thai, thai chết lưu hoặc dị tật bẩm sinh cho thai nhi như các khuyết tật về tim, đục thủy tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ...

Người trưởng thành nên tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nếu có ý định mang thai phải ít nhất 3 tháng sau khi hoàn thành phác đồ mới mang thai được.

  1. Vắc-xin phòng viêm màng não do não mô cầu

Nên tiêm vắc-xin này cho những đối tượng sống trong vùng dịch hay đi đến vùng đang có dịch  Cũng nên tiêm vắcxin cho những người sống trong một nhóm cộng đồng như các trung tâm chăm sóc trẻ em, trường nội trú, doanh trại quân đội, nhà tù, các vùng có mật độ dân cư cao hoặc các cộng đồng đã có báo cáo về các trường hợp nhiễm não mô cầu

Có 2 vắc-xin phòng ngừa viêm màng não:

VA-MENGOC-BC (ngừa não mô cầu type B và C) dùng được cho người lớn đến 45 tuổi: tiêm 2 mũi cách nhau 6 đến 8 tuần

MENACTRA (ngừa não mô cầu type A, C, Y và W135)  dùng được cho người lớn đến 55 tuổi: chỉ tiêm 1 mũi duy nhất.

  1. Vắc-xin phòng HPV

HPV là từ viết tắt của Human Papilloma Virus, đây là loại virus gây u nhú ở người, gây bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất hiện nay. Có nhiều loại (chủng) gây nhiều bệnh cảnh khác nhau từ ung thư cổ từ cung, âm độ, âm đạo cho đến sùi mào gà, mụn cóc sinh dục.

Phụ nữ và cả nam giới ở độ từ 26 tuổi trở xuống nên tiêm chủng với 3 mũi tiêm trong vòng 6 tháng.

  1. Vắc-xin phòng Virus viêm gan B

Virus viêm gan B (HBV) lây truyền từ người sang người qua đường quan hệ tình dục, đường máu, mẹ truyền sang con và đường tiêm chích. HBV là nguyên nhân của 5-10% bệnh hoại tử gan mạn tính và 10-15% ung thư gan. HBV làm khoảng 500.000 người chết mỗi năm.

Người lớn nên tiêm chủng vắc-xin phòng viêm gan B càng sớm càng tốt. Liệu trình thông thường gồm 3 mũi tiêm trong vòng 6 tháng hoặc 4 mũi với những người có người thân bị bệnh viêm gan B mãn tính, các đối tượng cần hiệu quả bảo vệ nhanh (bị đâm phải kim tiêm nghi ngờ nhiễm virus viêm gan B hoặc chuẩn bị đi vào vùng có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan B cao...)

 

 

Để cập nhật giá vắc xin hiện tại vui lòng chọn vào đường dẫn sau: BẢNG GIÁ VẮC XIN

 

Trung Tâm Tiêm Chủng Vắc Xin Đồng Nai

Chúng tôi cam kết đem đến cho khách hàng cảm nhận hoàn toàn mới về dịch vụ tiêm chủng với tiêu chí chất lượng dịch vụ hoàn hảo.

Địa chỉ: 1302 (số cũ 138) Nguyễn Ái Quốc, KP8, P Tân Phong, Biên Hoà, Đồng Nai

Hotline: 0251.626.9999

Email: [email protected]

Website: https://trungtamvacxindongnai.com

Facebook:  https://www.facebook.com/vacxindongnai

 

Bạn cần
hỗ trợ