Vì sao cần phải phải tiêm phòng?
Bác sĩ Lương Quốc Chính – Bệnh viện Bạch Mai trả lời: Để giảm thiểu khả năng bùng phát dịch bệnh, tỷ lệ tiêm phòng với loại bệnh đó phải đạt ít nhất 80 – 90% số trẻ/số người thuộc đối tượng phải tiêm phòng. Khi một phần quan trọng của cộng đồng được tiêm chủng chống lại một bệnh truyền nhiễm thì hầu hết các thành viên của cộng đồng sẽ gián tiếp được bảo vệ chống lại bệnh đó bởi vì có rất ít cơ hội cho dịch bệnh bùng phát.
Liệu có thể trì hoãn tiêm vắc xin? Và trì hoãn được bao lâu?
Cho con tham gia tiêm vắc xin đúng theo thời hạn của lịch tiêm chủng quốc gia luôn là lời khuyên tối ưu dành cho các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, đúng là tiêm vắc xin có thể trì hoãn. Trên thực tế, số lượng trẻ sơ sinh được tiêm đúng ngày là không nhiều. Nếu trẻ chưa được tiêm, mẹ có thể cho bé tiêm lùi lại sau. Tuy nhiên nên nhớ đừng trì hoãn quá lâu và cần hỏi ý kiến bác sỹ cũng như thông báo thời gian muộn cụ thể của bé trước khi tiêm.
Khi cho con đi tiêm, mẹ cần mang theo những gì?
Cho trẻ đi tiêm mẹ cần lưu ý mang đầy đủ những giấy tờ liên quan đến việc tiêm chủng trước đó của trẻ, sổ tiêm chủng, sổ khám bệnh, sổ dinh dưỡng. Nên cho bé mặc quần áo dễ cởi. Với bé tuổi chập chững, mẹ có thể cho bé mặc áo thun lớn và quần rộng.
Trong quá trình tiêm, nên quan sát những gì?
Người mẹ nên chú ý quan sát kỹ
- Vắc xin của con có được lấy nguyên hộp từ tủ lạnh không?
- Hạn sử dụng của vắc xin, tên và nước sản xuất vắc xin.
- Ống nước pha và quy trình pha thuốc của y tá thực hiện tiêm có đúng không.?
Nên hỏi bác sỹ những gì trước khi rời phòng tiêm
- Bé có thể bị các tác dụng phụ nào?
- Tôi nên làm gì nếu bé xuất hiện các tác dụng phụ đó?
- Dấu hiệu nào đáng lo?
- Khi nào con tôi tiêm phòng tiếp theo?
Nếu lần đầu tiêm vắc xin trẻ bị sốt thì mũi sau có sốt không, có nên đưa con đi tiêm tiếp không?
Làm cha mẹ, ai cũng rất lo lắng, xót xa khi con bị sốt, mệt mỏi sau tiêm. Tuy nhiên các mẹ không nên vì thế mà bỏ tiêm cho con. Việc trẻ bị sốt tùy thuộc vào nhiều yếu tố, do đó rất có thể mũi 1 con bị sốt nhưng mũi 2 sẽ không sốt nữa. Nói chung vẫn cần đưa con đi tiêm. Sau tiêm vắc xin phụ huynh cần ở lại điểm tiêm và theo dõi trong vòng 30 phút sau tiêm.
Khi nào con không nên đi tiêm?
Khi sức khỏe của trẻ không đảm bảo hoặc đang mắc các vấn đề như cảm lạnh, sốt, chàm, phát ban, vàng da,…. mẹ không nên đưa con đi tiêm chủng.
Cách theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm?
Sau tiêm vắc xin phụ huynh cần ở lại điểm tiêm và theo dõi trong vòng 30 phút sau tiêm. Phụ huynh khi đưa trẻ về nhà cần lưu ý phải theo dõi sức khỏe trẻ liên tục ngay cả khi trẻ ngủ và ít nhất trong vòng 1 ngày (24 giờ).
Các phản ứng như sốt nhẹ (dưới 38,5 độ), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại vết tiêm, quấy khóc là những phản ứng hết sức bình thường.
Các bà mẹ không nên dùng thuốc mẹo cho bé uống hay đắp lòng trắng trứng gà, khoai tây hoặc miếng dán hạ sốt trực tiếp lên vết tiêm bởi như vậy sẽ làm giảm tác dụng của vacxin.
Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như: sốt cao, co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bỏ bú, khó thở, tím tái… đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Xử lý thế nào khi con bị sốt sau tiêm?
Sau khi tiêm phòng 1 vài giờ hoặc 1 ngày, một số trẻ có thể bị sốt: sốt thường nhẹ, nhưng cũng đôi khi sốt cao (trên 39 độ C), kèm theo tình trạng quấy khóc. Các mẹ nên cho trẻ nằm ở nơi thoáng mát, mặc quần áo rộng, thoái mái, chườm mát cho trẻ bằng khăn ẩm nhưng không chườm đá hay nước lạnh. Có thể cho bé uống thuốc hạ sốt.
Để cập nhật giá vắc xin hiện tại vui lòng chọn vào đường dẫn sau: BẢNG GIÁ VẮC XIN