Bệnh học

BỆNH THỦY ĐẬU

Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp do virus Varicella Zoster Virus (VZV) gây nên

  

  1. Định nghĩa
  • Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp do virus Varicella Zoster Virus (VZV) gây nên. Biểu hiện lâm sàng là sốt, phát ban dạng nốt phỏng ở da và niêm mạc.
  1. Đặc điểm dịch bệnh

Nguyên nhân gây bệnh

  • Tác nhân gây bệnh là virus Varicella Zoster, thuộc nhóm Herpes virus gây bệnh ở người.
  • Trên lâm sàng, virus gây nên bệnh thủy đậu và zona.
  • Virus có vỏ lipid bao bọc xung quanh nhân nucleocapside, đường kính khoảng 150 – 200nm, trung tâm là chuỗi xoắn kép DNA với trọng lượng phân tử xấp xỉ 80 triệu.

Ổ bệnh

  • Người là ổ chứa bệnh duy nhất.
  • Tỷ lệ lây nhiễm cao: khoảng 90% người lớn đã từng mắc bệnh thủy đậu.

Đường lây truyền

  • Lây trực tiếp qua đường hô hấp, hiếm khi lây qua các tổn thương da niêm mạc.
  • Thời gian lây nhiễm là 2 - 5 ngày đầu khi bắt đầu có các triệu chứng.

Phân bố dịch

  • Tỉ lệ mắc như nhau giữa nam và nữ, mọi chủng tộc đều có thể bị mắc.
  • Bệnh thường ở cuối đông, đầu xuân.
  • Trẻ từ 5 – 9 tuổi thường  hay mắc bệnh và chiếm khoảng 50% tổng số các trường hợp.
  1. Cơ chế bệnh sinh

Nhiễm trùng tiên phát

  • Lây truyền qua đường hô hấp, sau đó virus khu trú và nhân lên ở một vị trí không xác định (thường ở mũi họng) vào hệ thống lưới nội mô rồi vào máu.
  • Nhiễm trùng máu ở những bệnh nhân thủy đậu được phản ánh bằng sự lan tỏa và phân bố rải rác các tổn thương trên da.
  • Nhiễm trùng có thể gây tổn thương tại chỗ một số mạch máu trên da, kết quả là gây hoại tử và xuất huyết biểu bì.
  • Với sự tiến triển của bệnh, dịch nốt phòng trở nên đục do có sự xuất hiện các tế bào bạch cầu đa nhân, các tế bào thoái hóa, và sợi fibrin. Cuối cùng các nốt phỏng vỡ và giải phóng dịch hoặc là được tái hấp thu trở lại.

Nhiễm trùng tái phát

  • Cơ chế của sự tái hoạt hóa VZV gây ra bệnh zona còn chưa rõ.
  • Có thể cho rằng virus gây nhiễm vào các hạch cạnh sống trong giai đoạn mắc thủy đậu, nơi mà có thể duy trì virus cho đến khi tái hoạt động trở lại.
  • Xét nghiệm mô bệnh học cạnh sống lưng trong giai đoạn bệnh zona tiến triển có thể thấy chảy máu, thâm nhiễm tế bào lympho.
  1. Triệu chứng

Thể điển hình

Thời kỳ nung bệnh: từ 10 - 21 ngày, trung bình 14 ngày, hoàn toàn yên lặng.

Thời kỳ khởi phát: trong vòng 24 - 48h.

  • Sốt nhẹ 38 - 38,5oC, đôi khi sốt cao 39 - 40oC.
  • Một số trường hợp có nổi ban (ban dạng tinh hồng nhiệt thoáng qua).
  • Mệt mỏi.

Thời toàn phát

Sốt nhẹ 37,5 - 38oC.

Nổi nốt phỏng:

  • Đặc điểm:

+ Thoạt đầu nốt phỏng màu hồng, sau nổi gồ trên da, ngứa.

+ Trong vòng 24h, nốt phỏng nước trong, rất nông, xung quanh nốt phỏng có đường viền da mảnh, màu đỏ.

+ Sau 48h, nốt phỏng khô lại: chất dịch bên trong nốt phỏng trở nên có màu đục, vùng trung tâm nốt phỏng thu nhỏ lại và khô lại, sờ vào nốt phỏng vẫn mềm (khác với đậu mùa sờ vào nốt phỏng thấy cứng).

+ Các tổn thương thường rất ngứa. Bệnh nhân thường ngứa gãi làm vỡ các nốt phỏng.

  • Vị trí nốt phỏng:

+ Rải rác khắp nơi, hay gặp nhất ở mặt, ngực, trên da đầu, chân tóc.

+ Đôi khi ở niêm mạc như ở trong má, vòm họng.

  • Các nốt phỏng tồn tại cùng thời            gian với nhiều lứa tuổi khác nhau.

Hạch cổ thường nhỏ.

Thời kỳ hồi phục

  • Các nốt phỏng tồn tại khoảng 4 ngày, sau đó vảy vàng xuất hiện, khoảng ngày thứ 10 trở đi bắt đầu bong vảy, thường không để lại sẹo.

Thủy đậu ở các cơ địa đặc biệt

Thủy đậu ở người suy giảm miễn dịch

  • Người bị giảm miễn dịch tế bào như leucemie, lymphoma, điều trị corticoides.
  • Tình trạng nhiễm trùng nặng, các nốt phỏng thường hoại tử và chảy máu.
  • Có thể có tổn thương khu trú ở các tạng như phổi, gan, thần kinh.
  • Thường gây tử vong.

Thủy đậu bẩm sinh

  • Phụ nữ có thai mắc thủy đậu khoảng 5 ngày trước và sau khi đẻ sẽ gây thủy đậu bẩm sinh do giai đoạn này virus nhiễm vào máu, với các biểu hiện ở phế quản phổi, loét đường tiêu hóa, viêm não màng não, viêm gan, thường tiến triển dẫn đến tử vong.
  • Phụ nữ có thai mắc thủy đậu trong 3 tháng đầu của thai kỳ sẽ gây bệnh lý đối với phôi thai như mất một hoặc nhiều chi, viêm hắc võng mạc, đục thủy tinh thể và các tổn thương da để lại sẹo.
  1. Biến chứng
  • Biến chứng thần kinh
  • Viêm phổi
  • Viêm da bội nhiễm

6. ĐIỀU TRỊ

Nguyên tắc điều trị

Điều trị thủy đậu ở người miễn dịch bình thường chủ yếu là điều trị hỗ trợ, bao gồm hạ nhiệt và chăm sóc tổn thương da. Điều trị kháng virus Herpes có tác dụng giảm mức độ nặng và thời gian bị bệnh, đặc biệt có chỉ định đối với những trường hợp suy giảm miễn dịch.

Điều trị kháng virus

  • Acyclovir uống 800 mg 5 lần/ngày trong 5-7 ngày; trẻ dưới 12 tuổi có thể dùng liều 20 mg/kg 6 giờ một lần. Điều trị có tác dụng tốt nhất khi bắt đầu sớm, trong vòng 24 giờ đầu sau khi phát ban. 
  • Người bệnh suy giảm miễn dịch nặng, thủy đậu biến chứng viêm não: ưu tiên acyclovir tĩnh mạch, ít nhất trong giai đoạn đầu, liều 10-12,5 mg/kg, 8 giờ một lần, để làm giảm các biến chứng nội tạng. Thời gian điều trị là 7 ngày. Đối với người bệnh suy giảm miễn dịch nguy cơ thấp có thể chỉ cần điều trị bằng thuốc kháng virus uống.

Điều trị hỗ trợ

  • Điều trị hạ nhiệt bằng paracetamol; tránh dùng aspirin để ngăn ngừa hội chứng Reye. 
  • Điều trị kháng histamin nếu người bệnh ngứa tại nơi tổn thương da.
  • Chăm sóc các tổn thương da: làm ẩm tổn thương trên da hàng ngày, bôi thuốc chống ngứa tại chỗ, ngăn ngừa bội nhiễm vi khuẩn bằng thuốc sát khuẩn tại chỗ (như các thuốc chứa muối nhôm acetat).
  • Điều trị hỗ trợ hô hấp tích cực khi người bệnh bị viêm phổi do thủy đậu. 
  • Điều trị kháng sinh khi người bệnh thủy đậu có biến chứng bội nhiễm tổn thương da hoặc bội nhiễm tại các cơ quan khác.
  1. Phòng bệnh
    1. Phòng không đặc hiệu
  • Phát hiện bệnh sớm ở thời kỳ khởi phát tránh lây lan.
  • Tiêm globulin miễn dịch:

+  Mục đích: phòng ngừa thủy đậu ở những người bị suy giảm miễn dịch khi tiếp xúc với người mắc bệnh thủy đậu.

+ Liều lượng: 0,3 ml/kg. Tiêm bắp một lần.

+ Liều tiêm có thể dao động từ 2 - 10 ml.

    1. Phòng bệnh đặc hiệu
  • Tiêm vaccin thủy đậu: là loại vaccin sống giảm động lực (chủng Okawa). Các loại v
  • Tiêm cho trẻ từ 12 - 18 tháng tuổi.
  • Những trẻ đã mắc thủy đậu thì không cần tiêm phòng vaccin vì sau khi bị kháng thể đã có tác dụng bảo vệ suốt đời.
  • Hiện này trên thị trường có các loại vắc xin như: Varivax (Mỹ); Varicella (Hàn Quốc), Varilrix (Bỉ)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Trường Đại học Y Hà Nội (2009), Tài liệu truyền nhiễm.

Quyết định số 5642/QĐ-BYT ngày 31/12/2015 , Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh truyền nhiễm.

 

Phòng Khám Tư Vấn Và Điều Trị Dự Phòng Vắc Xin Đồng Nai

Chúng tôi cam kết đem đến cho khách hàng cảm nhận hoàn toàn mới về dịch vụ tiêm chủng với tiêu chí chất lượng dịch vụ hoàn hảo.

Địa chỉ: 107A Nguyễn Ái Quốc KP8 Phường Tân Phong Biên Hoà Tỉnh Đồng Nai

Hotline: 0251.626.9999

Email: [email protected]

Website: https://trungtamvacxindongnai.com

Facebook:  https://www.facebook.com/Tiemchungvacxindongnai/ 

  

Bạn cần
hỗ trợ