Bệnh học

BỆNH VIÊM NÃO NHẬT BẢN

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền theo đường máu, do virút gây ra. Bệnh có đặc điểm lâm sàng là sốt cao, hội chứng nhiễm độc toàn thân với sự phát triển của viêm não tuỷ nặng và tỷ lệ tử vong cao.

 

  1. Lịch sử nghiên cứu và dịch tễ học

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền theo đường máu, do virút gây ra. Bệnh có đặc điểm lâm sàng là sốt cao, hội chứng nhiễm độc toàn thân với sự phát triển của viêm não tuỷ nặng và tỷ lệ tử vong cao.

Lịch sử nghiên cứu

Bệnh viêm não Nhật Bản đã được biết hơn 100 năm trước đây. Cuối thế kỷ XIX liên tiếp các vụ dịch xảy ra ở các vùng núi Nhật Bản vào mùa hè - thu với nhiều bệnh nhân nặng và tỷ lệ tử vong tới 60%. Một thời gian dài người ta vẫn xếp vào các bệnh viêm màng não tuỷ. Mãi cho tới năm 1924 người ta mới phân chia bệnh ra thành một bệnh riêng biệt.

Vào những năm 1933-1936 các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã tìm ra virut gây bệnh và chứng minh rằng virut này được truyền qua muỗi đốt.

Các vụ dịch viêm não Nhật Bản được thông báo các nước như: Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên, Miến Điện, Philippin, Liên Xô, Thái Lan, Việt Nam và các vùng khác thuộc châu Úc và châu Phi.

Ở Việt Nam được phát hiện từ những năm 60 của thế kỷ này, dịch xảy ra hàng năm ở những ổ dịch lưu hành nhất là vùng ven sông Đáy thuộc Hà Tây, Thanh Hóa, Thái Bình...

Mầm bệnh

Năm 1933 Hayashi phân lập được virut từ não bệnh nhân chết, ông đã lấy dịch chất não bệnh nhân tiêm và gây bệnh được cho khỉ.

Virut viêm não Nhật Bản thuộc Arbovirut nhóm B, họ Togaviridae, giống Flavivirus; có kích thước 15-22-50 nanomet, có ARN. Virut phát triển ở tế bào phôi gà và tổ chức nuôi cấy. Virut không chịu nhiệt, chúng bị bất hoạt ở 56°c trong 30 phút; ở 70°C trong 10 phút, 100°C trong 2 phút. Trong trạng thái đông lạnh virut có thể tồn tại trong vài năm. Dưới tác dụng của axeton, cồn và ête virut chết sau 3 ngày. Dung dịch Lysol 5% diệt virut trong 1 phút. Một số động vật có mẫn cảm với virut viêm não Nhật Bản là: khỉ, chuột bạch và một số loài chuột đồng, một số loại muỗi và nhiều loài chim.

Dịch tễ học

- Viêm não Nhật Bản là bệnh có ổ dịch thiên nhiên ở khắp nơi. Petrixepva - 1969 chia ra: ổ dịch vùng đồng cỏ (thảo nguyên), ổ dịch vùng biển, ổ dịch vùng cận rừng núi và ổ dịch vùng rừng núi. Virut lưu hành trong các ổ dịch thiên nhiên ở các loài thú và chim. Ở Việt Nam đã phân lập được virut từ chim Liếu điếu (Garrulax parapicitlatics).

  • Trong thiên nhiên virút được truyền từ các vật chủ với nhau và sang người nhờ muỗi giống Culex (các chủng C. pipiens, C. tritaeniarhynchus; C. bitaeniarhynchus ...) là chủ yếu, ngoài ra còn có thể cả giống Aedes (chủng A. togoi, A. Japonicus), có tài liệu nói cả đến Anopheless maculipennis cũng có khả năng truyền bệnh.
  • Ở Việt Nam loại muỗi Culex tritaeniarhynchus sinh sản mạnh vào mùa hè (nhất là từ tháng 3 đến tháng 7), hoạt động mạnh vào buổi chập tối. Loại muỗi này có mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du, nó là vật trung gian truyền bệnh chủ yếu bệnh viêm não Nhật Bản ở nước ta.
  • Sức thụ bệnh cao với trẻ em dưới 10 tuổi. Người lớn tỷ lệ có kháng thể cao do vậy ít mắc bệnh hơn.

Tỷ lệ mắc bệnh viêm não Nhật Bản ở vùng đồng bằng cao hơn vùng rừng núi và ở nông thôn cao hơn thành phố.

Sau khi bị bệnh để lại miễn dịch chắc chắn và vững bền.

  1. Cơ chế bệnh sinh và tổn thương giải phẫu bệnh lý

Virut được muỗi truyền vào máu, chúng phát triển ở trong máu và đi khắp cơ thể. Nhờ hướng tính thần kinh, virut xâm nhập vào các tế bào thần kinh, sinh sản và phát triển nhanh ở đó. Sau khi đã đạt được mật độ cao ở các tế bào thần kinh, virut lại từ đó xâm nhập lần thứ 2 vào máu. Nhiễm virut lần thứ hai ở máu bắt đầu gây nên phản ứng sốt. Trên lâm sàng nó tương ứng với sự bắt đầu của giai đoạn cấp tính của bệnh.

Sự biến đổi bệnh lý rõ rệt nhất ở hệ thống thần kinh. Trên kính hiển vi người ta có thể thấy những biến đổi đó là: phù nề màng não và tổ chức não, các động mạch và tĩnh mạch não dãn rộng và ứ máu, xuất huyết đốm nhỏ ở tổ chức não và màng mềm. Trong tổ chức não và đặc biệt là vùng đổi thị, thể vân và cả sừng amon có những ổ nhũn não và xuất huyết.

Trong các cơ quan nội tạng đều có ứ máu, có nhiều đốm xuất huyết ở niêm mạc và thanh mạc. Thoái hoá tổ chức cơ tim, gan, thận và phát sinh viêm phổi ổ. Viêm xuất huyết và thoái hoá màng não - tuỷ và cả chất não - tuỷ. Ngoài phù nể và xuất huyết đốm ra còn thấy thâm nhiễm quanh các huyết quản của tổ chức não, tủy sống, tạo nên các u hạt nhỏ quanh huyết quản và các u tế bào thần kinh đệm với các ổ hoại tử và nhũn não nhỏ. Những thay đổi bệnh lý nặng nhất xảy ra ở vùng đồi thị, chất xám, nhân đỏ, thể trán và tiểu não.

  1. Lâm sàng

Thể thông thường điển hình

Thời kỳ nung bệnh

Kéo dài từ 5-14 ngày, trung bình là 1 tuần.

Thời kỳ khởi phát

Bênh khởi phát rất đột ngột bằng sốt cao 39-40°C hoặc hơn. Bệnh nhân đau đầu, đặc biệt là vùng trán, đau bụng, buổn nôn và nôn. Ngay trong 1-2 ngày đầu của bệnh đã xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn sự vận động nhãn cẩu. Về tâm thần kinh có thể xuất hiện lú lẫn hoặc mất ý thức. Những ngày đầu phản xạ gân xương tăng, xung huyết giãn mạch rõ. Ở một số trẻ nhỏ tuổi, ngoài sốt cao có thể thấy đi lỏng, đau bụng, nôn giống như nhiễm khuẩn - nhiễm độc ăn uống.

Tóm lại trong thời kỳ khởi phát đặc điểm nổi bật của bệnh là sốt cao đột ngột, hội chứng màng não và rối loạn ý thức từ nhẹ đến nặng (ly bì, kích thích, vật vã, u ám, mất ý thức hoàn toàn).

Thời kỳ khởi phát của bệnh tương ứng với lúc vi rút vượt qua hàng rào mạch máu - não tổn thương vào tổ chức não và gây nên phù nề não.

Thời kỳ toàn phát

(Từ ngày thứ 3-4 đến ngày thứ 6-7 của bệnh).

  • Bước sang ngày thứ 3-4 của bệnh các triệu chứng của thời kỳ khởi phát không giảm mà lại tăng lên. Từ mê sảng kích thích, u ám lúc đầu, dần dần bệnh nhân đi vào hôn mê sâu dần.
  • Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng tăng lên: vã nhiều mổ hôi, da lúc đỏ, lúc tái, rối loạn nhịp thở và tăng tiết trong lòng khí phế quản do vậy khi nghe phổi có thể thấy nhiều ran rít, ran ngáy và cả ran nổ. Mạch ở bệnh nhân thường nhanh và yếu.
  • Nổi bật trong giai đoạn toàn phát là sự xuất hiện các triệu chứng tổn thương não nói chung và tổn thương thần kinh khu trú. Bệnh nhân cuồng sảng, ảo giác, kích động, tăng trương lực cơ kiểu ngoại tháp làm cho bệnh nhân nằm co quắp. Trong trường hợp tổn thương hệ thống tháp nặng có thể thấy co giật cứng hoặc giật rung các cơ mặt và cơ chi hoặc bại, liệt cứng. Ở một số bệnh nhân xuất hiện trạng thái định hình, giữ nguyên tư thế (catalepsia).

Do rối loạn chức năng Hypothalamus làm cho mạch nhanh 120-140 lần/phút, tăng áp lực động mạch và co mạch ngoại vi.

  • Các dãy thần kinh sọ não cũng bị tổn thương, đặc biệt là các dây vận nhãn (III, IV, VI) và dây VII.
  • Rối loạn trung khu hô hấp dẫn tới thở nhanh nông, xuất tiết nhiều ở khí phế quản và có thể thấy viêm phổi đốm hoặc viêm phổi thuỳ.
  • Về xét nghiệm, ngay từ những ngày đầu bạch cầu thường tăng cao 15.000- 20.000/mm3, trong đó bạch cầu đa nhân trung tính tăng tới 75-85%, bạch cầu ái toan và lympho giảm. Tốc độ máu lắng hẩu hết ở các bệnh nhân tăng (tới 20-30mm/giờ đầu).
  • Xét nghiệm dịch não tuỷ: áp lực dịch não tuỷ tăng, dịch trong vắt, Protein tăng nhẹ (60-70mg%) tế bào tăng nhẹ (dưới 100 tế bào/mm3) và lúc đầu là bạch cầu đa nhân và về sau là lympho, Glucoza trong dịch não tuỷ ít thay đổi hoặc tăng nhẹ...
  • Soi đáy mắt trong giai đoạn cấp tính thường thấy xung huyết gai thị, đôi khi thấy cả phù nề và xuất huyết. Bệnh nhân rối loạn nhận cảm màu sắc và ánh sáng, thị trường bị thu hẹp.

Thời kỳ này tương ứng với thời kỳ virut xâm nhập vào các tế bào não gây huỷ hoại các tế bào thần kinh.

Tóm lại thời kỳ toàn phát của bệnh viêm não Nhật Bản diễn ra ngắn. Do tổn thương các tế bào thần kinh về não, Hypothalamus và rối loạn các trung khu dưới vỏ đã làm cho bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê sâu với sự rối loạn các chức năng sống. Do vậy bệnh nhân thường tử vong trong vòng 7 ngày đầu. Những bệnh nhân vượt qua được thời kỳ này thì tiên lượng tốt hơn.

Thời kỳ lui bệnh

Với những biến chứng và di chứng (từ ngày thứ 7, 8 trở đi).

Thông thường bước sang tuần thứ 2 của bệnh, bệnh nhân đỡ dần, nhiệt độ giảm từ sốt cao xuống sốt nhẹ và vào khoảng từ ngày thứ 10 trở đi nhiệt độ trở về bình thường nếu như không có bội nhiễm vi khuẩn khác. Cùng với nhiệt độ, mạch cũng chậm dần về bình thường, thở không rối loạn. Hội chứng não - màng não cũng dần dần mất: bệnh nhân từ hôn mê dần dần tỉnh, trương lực cơ giảm dần và không còn những cơn co cứng. Bênh nhân hết nôn và đau đầu, gáy mềm, các dấu hiệu màng não cũng trở về âm tính.

Trong khi hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc và hội chứng não - màng não giảm dần thì các tổn thương thần kinh khu trú lại rõ hơn trước. Bệnh nhân có thể bại và liệt chi hoặc liệt các dây thần kinh sọ não hoặc rối loạn sự phối hợp vận động ... thời kỳ này có thể xuất hiện những biến chứng sớm như: viêm phế quản, viêm phổi hoặc viêm phế quản - phổi do bội nhiễm do phải hô hấp viện trợ hoặc hút đờm rãi khô vô trùng viêm bể thận, bàng quang do phải thông đái hoặc đặt sond dẫn lưu; loét và viêm tắc tĩnh mạch do nằm và rối loạn dinh dưỡng... Những di chứng sớm có thể gặp là: bại hoặc liệt nửa người, mất ngôn ngữ, múa giật múa vờn, rối loạn phối hợp vận động, giảm trí nhớ nghiêm trọng, rối loạn tâm thần...

Từ cuối tuần thứ 2 trở đi là thời kỳ của những biến chứng và di chứng muộn. Những biến chứng muộn có thể gặp là: phế viêm, viêm bể thận - bàng quang, loét nhiễm trùng, rối loạn giao cảm, rối loạn chuyển hoá. Những di chứng muộn có thể xuất hiện sau vài năm hoặc thậm chí hàng chục năm mà thường gặp là động kinh và Parkinson.

Tiên lượng bệnh

Bệnh có tỷ lệ tử vong cao (25-80%). Tử vong thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương hành não. Tử vong ở giai đoạn sau chủ yếu do các biến chứng đặc biệt như: viêm phổi, suy kiệt...

Những bệnh nhân qua khỏi có thể để lại những di chứng suốt đời mà hay gặp là rối loạn tâm thần.

Một số thể không điển hình

Thể ẩn

Không phải trường hợp nào vi rút xâm nhập vào cơ thể cũng gây bệnh. Người ta thấy sau các vụ dịch số người không mắc bệnh mà vẫn có đáp ứng miễn dịch chiếm tỷ lệ rất cao (gấp hàng trăm lần số người mắc bệnh) - Đó là thể ẩn

Thể cụt

Chỉ có hội chứng nhiễm khuẩn nhiễm độc (sốt cao, xung huyết da, niêm mạc, nhức đầụ) ngoài ra không có triệu chứng gì của hội chứng não - màng não.

Thể viêm màng não

        Gặp ở những trẻ lớn tuổi và thanh niên. Bệnh diễn biến giống như viêm màng não do vi rút khác.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bùi Đại, Nguyễn Văn Mùi, Nguyễn Hoàng Tuấn (2005), Bệnh học truyền nhiễm, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

 

 

Trung Tâm Tiêm Chủng Vắc Xin Đồng Nai

Chúng tôi cam kết đem đến cho khách hàng cảm nhận hoàn toàn mới về dịch vụ tiêm chủng với tiêu chí chất lượng dịch vụ hoàn hảo.

Địa chỉ: 1302 (số cũ 138) Nguyễn Ái Quốc, KP8, P Tân Phong, Biên Hoà, Đồng Nai

Hotline: 0251.626.9999

Email: [email protected]

Website: https://trungtamvacxindongnai.com

Facebook:  https://www.facebook.com/vacxindongnai

 

Bạn cần
hỗ trợ