Bệnh học

BỆNH DẠI

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut dại gây ra, bệnh chủ yếu ở động vật có máu nóng (chó, mèo...) lây sang người qua đường da và niêm mạc.

 

1. Định nghĩa

  • Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut dại gây ra, bệnh chủ yếu ở động vật có máu nóng (chó, mèo...) lây sang người qua đường da và niêm mạc.
  • Biểu hiện lâm sàng của bệnh chủ yếu là trạng thái kích thích tâm thần vận động hoặc một hội chứng liệt kiểu Landry. Khi phát bệnh, tử vong là 100%.
  • Bệnh dại được biết đến từ thế kỷ 2, 3 trước công nguyên. Năm 1885 Pasteur nghiên cứu tạo miễn dịch chống bệnh dại. Đến 1903, bệnh dại mới được mô tả lâm sàng rõ bởi Adechi Negri. Nhờ test kháng thể huỳnh quang, bệnh học bệnh dại được hiểu biết năm 1958.

 

2. Mầm bệnh

  • Là virut dại, thuộc họ Rhabdovirus, có cấu tạo ARN và có bao ngoài.
  • Pasteur chia vi rút dại ra làm 2 loại:
  • Virut dại đường phố: Có độc lực mạnh, gây bệnh dại ở súc vật và người.
  • Virut dại cố định: Là virut dại được nuôi cấy và thích ứng trong phòng thí nghiệm, đã giảm, mất độc lực và không gây bệnh dại. Được dùng để điều chế vacxin vì có cùng kháng nguyên với virut dại đường phố.
  • Sức đề kháng:
  • Có sức đề kháng kém: Bị bất hoạt nhanh chóng bởi xà phòng, Ether, cồn Iôt, ở 600C  chết trong 5 phút, ở 1000C  chết trong 1 phút.
  • Tuy vậy, ở nhiệt độ phòng: virut có thể sống được từ 1 - 2 tuần. Vì vậy, đồ vật dính nước bọt chó dại, người bị dại được coi là nguy hiểm.

3. Nguồn bệnh

  • Là các loài động vật hoang dại bị dại như: Chó sói, chồn, cáo, cầy, gấu trúc Mỹ... và cả loại dơi Vampire hút máu bò ở Nam Mỹ.
  • Là gia súc bị dại: Phổ biến nhất là chó, mèo và có thể là lừa, ngựa, bò, cừu, lợn...

4. Đường lây

  • Qua da và niêm mạc: Vi rút dại có trong nước bọt của súc vật bị dại không bao giờ qua được da lành nhưng vi rút dại lây từ động vật này sang động vật khác và sang người qua da và niêm mạc bị tổn thương (dù rất nhỏ) do bị súc vật dại cắn, cào, liếm hoặc khi làm thịt súc vật bị dại. Rất hiếm gặp mắc bệnh dại qua đồ vật trung gian bị dính nước bọt chó dại, người bị dại... mà trên người lành sẵn có vết thương...
  • Qua đường hô hấp do hít phải không khí bị ô nhiễm vi rút dại: ở Nam Mỹ, khi người vào hang động có loài dơi mang virut dại cư trú.
  • Ngoài ra, có một số bệnh nhân bị dại do được ghép giác mạc của người bị bệnh dại. Trên động vật có thể lây qua nhau thai hoặc sữa mẹ, chưa có bằng chứng lây bằng đường này trên người.

5. Lâm sàng

5.1. Phân chia thể lâm sàng

  • Thể hung dữ hoặc co cứng: biểu hiện bệnh là một tình trạng kích thích tâm thần vận động là chủ yếu.
  • Thể liệt: ít gặp hơn thể trên. Thường gặp ở người bị chó dại cắn đã tiêm vacxin nhưng muộn. Thường không có triệu chứng sợ nước, sợ gió.

5.2. Triệu chứng học lâm sàng

  • Thời kỳ ủ bệnh
  • Từ 10 ngày đến trên 1 năm. Trung bình từ 20 ngày đến 60 ngày. Nếu số vết cắn nhiều, sâu và vị trí cắn ở gần thần kinh trung ương và giàu mạng lưới thần kinh (đầu, mặt, cổ, bàn tay) thì thời kỳ ủ bệnh sẽ ngắn.
  • Trước khi phát bệnh có thể có tiền triệu: Lo lắng, thay đổi tính tình, có cảm giác ngứa, đau ở nơi bị cắn.
  • Thời kỳ toàn phát

Có 2 thể bệnh sau:

  • Thể hung dữ hoặc co cứng: Biểu hiện bệnh là một tình trạng kích thích tâm thần vận động là chủ yếu.
  • Khi thì bệnh nhân trở nên hung tợn, điên khùng, gây gổ, đập phá lung tung và nhanh chóng tiến tới hôn mê và tử vong.
  • Khi thì ở trạng thái kích thích vận động là chủ yếu với biểu hiện: Co cứng, run rẩy tứ chi, co giật, co thắt họng và thanh khí quản gây triệu chứng sợ nước. Khát không dám uống, chỉ nhìn thấy hoặc nghe thấy tiếng nước chảy cũng gây tăng co thắt họng và rất đau. Tình trạng co thắt này tăng lên mỗi khi có kích thích dù rất nhỏ vào các giác quan như: luồng gió nhẹ (sợ gió), mùi vị, ánh sáng.v.v.. Nét mặt luôn căng thẳng, hoảng hốt, mắt sáng và đỏ, tai thính, có thể có tình trạng kích thích sinh dục (dấu hiệu cánh buồm, xuất tinh tự nhiên). Có thể có ảo giác, mất định hướng, gây gổ, vùng vẫy, cắn xé. Sốt tăng dần, vã mồ hôi, tăng tiết đờm dãi (khạc nhổ, sùi bọt mép), rối loạn tim mạch và hô hấp.
  • Tất cả các triệu chứng trên xuất hiện thành từng cơn, ngày càng dầy hơn, mạnh hơn. Bệnh nhân có thể có lúc tỉnh táo giữa các cơn. Các triệu chứng nặng dần lên và tử vong trung bình sau 3 đến 5 ngày do ngừng hô hấp và ngừng tim.
  • Thể liệt: Ít gặp hơn thể trên. Thường gặp ở người bị chó dại cắn đã tiêm vacxin nhưng muộn. Thường không có triệu chứng sợ nước, sợ gió.

Lúc đầu có thể thấy đau nhiều vùng cột sống, sau đó xuất hiện hội chứng liệt leo kiểu Landry: Đầu tiên liệt chi dưới, sau đó rối loạn cơ vòng, rồi liệt chi trên. Khi tổn thương tới hành não thì xuất hiện liệt thần kinh sọ, ngừng hô hấp và tuần hoàn. Tử vong sau 4 đến 12 ngày.

6. Biến chứng

  • Hô hấp
  • Khó thở, ngạt thở do thiếu oxy, co thắt.
  • Viêm phổi, phế quản, tràn khí màng phổi.
  • Tuần hoàn
  • Loạn nhịp tim, nhịp nhanh trên thất, block nhĩ thất.
  • Hạ huyết áp, phù phổi cấp, suy tim.
  • Thần kinh
  • Tăng áp lực nội sọ do phù não.

7. Phòng bệnh

Phòng bệnh chung

  • Kiểm soát súc vật nghi dại. Tiêm vacxin phòng dại bắt buộc cho gia súc, đặc biệt là chó, mèo.
  • Tránh tiếp xúc với súc vật không rõ nguồn gốc, không để bị cắn, tiêm phòng ngay khi nghi ngờ, bắt theo dõi súc vật nghi dại cắn 10 ngày.
  • Tiêm vacxin phòng dại cho một số người có nghề nghiệp tiếp xúc nhiều với súc vật như: Thú y, chăn nuôi gia súc ( chó, mèo...) chuyên nghiệp v.v....
  • Bệnh dại được coi là bệnh tối nguy hiểm nên khi săn sóc bệnh nhân phải mặc đầy đủ trang bị (mũ, mạng, quần áo, găng tay, ủng), rửa tay xà phòng kỹ sau khi săn sóc rồi sát trùng bằng cồn, Ete.
  • Các đồ vật (vải, dụng cụ riêng của bệnh nhân...) cần đốt huỷ. Các đồ sắt, giường, tủ, sàn nhà... cần lau rửa bằng xà phòng và phun thuốc khử trùng.

 

Phòng Khám Tư Vấn Và Điều Trị Dự Phòng Vắc Xin Đồng Nai

Chúng tôi cam kết đem đến cho khách hàng cảm nhận hoàn toàn mới về dịch vụ tiêm chủng với tiêu chí chất lượng dịch vụ hoàn hảo.

Địa chỉ: 107A Nguyễn Ái Quốc KP8 Phường Tân Phong Biên Hoà Tỉnh Đồng Nai

Hotline: 0251.626.9999

Email: [email protected]

Website: https://trungtamvacxindongnai.com

Facebook:  https://www.facebook.com/Tiemchungvacxindongnai/ 

 

Bạn cần
hỗ trợ